Kết quả Chiến_dịch_Hòa_Bình

Việt Minh tuyên bố loại khỏi chiến đấu 21.249 quân Pháp và chư hầu, trong đó có 14.030 chết hoặc bị thương, 7219 bị bắt. Trong đó:

  • Tại mặt trận Hòa Bình: diệt 6.012 lính, thu 24 khẩu pháo các loại, 788 súng, 98 máy vô tuyến điện, phá hủy 12 khẩu pháo, bắn rơi 9 máy bay, bắn chìm và bắn cháy 17 ca nô, tàu, xuồng, phá hủy 246 xe quân sự.
  • Mặt trận địch hậu (Trung du, Liên khu 3): loại khỏi vòng chiến đấu 15.237 lính, thu 6.126 súng các loại, giải phóng 4.000 km² với hơn một triệu dân.
  • Về trang bị: Tổng cộng bắn rơi 13 máy bay, bắn chìm 17 tàu xuồng, phá hủy 20 khẩu pháo, 9 đầu xe lửa, 20 toa xe, 291 xe cơ giới các loại, thu 24 khẩu pháo.

Về đất đai, đã giải phóng 5.000 km² khu vực Hòa Bình-Sông Đà với gần 2 triệu dân, giữ vững đường giao thông liên lạc giữa Việt Bắc với các Liên khu 3 và 4, góp phần đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng quân đội Pháp, làm thất bại âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược và chia cắt chiến trường Bắc Bộ của Pháp. Theo Bernard Fall nhận xét: "Chiến dịch Hòa Bình đối với người Pháp cũng tổn thất về sinh mạng và trang bị không kém gì chiến dịch Biên giới và chiến dịch Điện Biên Phủ sau này".[4]

Tại hướng đồng bằng (hướng phối hợp), bộ đội Việt Nam tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân rộng lớn, loại khỏi vòng chiến đấu trên 10 nghìn quân, bức hàng và bức rút khoảng 1 nghìn đồn bốt, tháp canh, giải phóng trên 2 triệu dân. Sự phối hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực trên hướng chủ yếu với lực lượng vũ trang trên hướng phối hợp làm phong phú thêm kinh nghiệm của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam. Bộ chỉ huy nhận xét: "Thắng lợi to lớn của ta ở mặt sau lưng địch làm thay đổi tình thế đồng bằng Bắc Bộ, đã có ý nghĩa quyết định thắng lợi của toàn bộ Chiến dịch Hòa Bình".[7]

Ngày 25 tháng 2 năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi Bộ chỉ huy chiến dịch và các chiến sĩ mặt trận Hòa Bình, dân công phục vụ và đồng bào địa phương: "So với những thắng lợi trước, thắng lợi lần này là khá to. Thắng lợi lần này đã đánh dấu một bước tiến bộ mới của bộ đội ta, và đã làm cho địch phải thất bại nhục nhã trong âm mưu củng cố phòng ngự chuyển lên tiến công, nhưng bộ đội phải luôn luôn cố gắng thi đua giết giặc lập công và ra sức học tập chỉnh huấn, đồng bào phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất hơn nữa để tranh lấy thắng lợi to hơn nữa".[8]

Với thất bại ở chiến dịch Hòa Bình, tướng Henri Navarre viết rằng: "Chúng ta đã bị thiệt hại nặng nề về chiến lược, không thu được một kết quả quyết định nào. Chiến dịch Hòa Bình đã giam chân các binh đoàn chủ lực cơ động tinh nhuệ của ta ở xa đồng bằng trong một thời gian dài. Do đó đã tạo lợi thế cho đối phương đưa các binh đoàn chủ lực lọt vào đồng bằng hoạt động. Đối phương đã giành được thắng lợi quan trọng".[9]

Sau cuộc rút lui khỏi Hòa Bình, Pháp mở nhiều cuộc hành quân trong vùng đồng bằng để càn quét. Chương trình của Salan và Letourneau là quét sạch quân du kích trong khu tam giác đồng bằng, xúc tiến việc tổ chức quân đội Quốc gia Việt Nam với sự viện trợ của Mỹ, thành lập đoàn Quân thứ lưu động (GAMO) để phối hợp với quân đội tổ chức an ninh xã hội các vùng đã được càn quét, rồi trao cho Thủ hiến Nguyễn Văn Tâm tổ chức hành chính.

Tới cuối tháng giêng năm 1952, viện trợ Mỹ cập bến Sài Gòn đã lên tới 120.000 tấn chiến cụ, trong số đó có 178 máy bay, 170 tàu thủy đủ loại, xe thiết giáp, đạn dược và dụng cụ truyền tin.